Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
HƯỚNG DẪN CÁCH NHẬN BIẾT VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ BỆNH CÚM GIA CẦM
Ngày cập nhật 26/04/2024

Theo số liệu báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y, trong năm 2023, cả nước đã xuất hiện 20 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 tại 17 huyện của 11 tỉnh, thành phố với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 36.606 con. Trong các tháng đầu năm 2024 đã xảy ra các ổ dịch CGC A/H5N1 tại các tỉnh Bắc Ninh, Ninh Bình, Tiền Giang và Long An với số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy bắt buộc là trên 6.600 con.

Trên địa bàn tỉnh, năm 2023 và từ đầu năm 2024 đến nay vẫn chưa xảy ra dịch bệnh Cúm gia cầm, tuy nhiên nguy cơ các chủng vi rút CGC thể độc lực cao và các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác xuất hiện, lây lan trên diện rộng do quá trình nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu là rất cao.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh CGC A/H5, đồng thời để chủ động ngăn chặn các ổ dịch CGC trên gia cầm, hạn chế thấp nhất vi rút CGC lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đồng thời giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y hướng dẫn cách nhận biết và các biện pháp phòng trừ bệnh Cúm gia cầm như sau:

1. Nguyên nhân gây bệnh:

Bệnh do virus gây ra. Tất cả các loại gà và các loài gia cầm khác như: vịt, ngỗng, chim cút và các loại chim hoang dại đều bị nhiễm.

Bệnh lây nhiễm trực tiếp giữa con bệnh và con khoẻ trong đàn qua thức ăn, nước uống, hít thở; Bệnh có thể lây truyền qua trứng từ những con mẹ bị nhiễm bệnh; qua dụng cụ, người chăn nuôi...

Triệu chứng bệnh Cúm gia cầm

2. Triệu chứng, bệnh tích:

Sau khi nhiễm bệnh tốc độ lây lan rất nhanh và từ khi xuất hiện triệu chứng đến thời điểm chết cũng rất nhanh với tỷ lệ chết cao 50-100%.

  • Thể quá cấp: Gia cầm chết nhanh, đột ngột. Chưa có biểu hiện lâm sàng về bệnh lý
  • Thể độc lực cao:

Biểu hiện lâm sàng: Trên gà có biểu hiện sốt cao tù 400C trở lên; xù lông, ủ rũ, bỏ ăn, giảm đẻ; đầu, mặt sưng, phù quanh mắt, mào, tích sưng, xuất huyết; mắt bị viêm kết mạc và có thể xuất huyết; xuất huyết điểm ở giữa vùng bàn chân và khủy chân; có triệu chứng hô hấp, mỏ chảy nhiều rớt dãi; có triệu chứng thần kinh, nghẹo cổ, sã cánh; phân xanh, phân trắng; Vịt, ngỗng chủ yếu bị các triệu chứng thần kinh, vẹo cổ, mất điều hòa, run rẩy, mệt mỏi.

Bệnh tích: Xuất huyết tràn lan ở các bề mặt niêm mạc, màng thanh dịch và mỡ bụng; xuất huyết tụy, màng ngoài bao tim, cơ ngực, chân; xuất huyết dạ dày và dạ dày tuyến, ruột, manh tràng; phù thũng dưới da vùng đầu, cổ, ngực; miệng chứa nhiều dịch; khí quản xuất hiện nhiều dịch nhầy; gà đẻ xuất huyết ở buồng trứng; Vịt mắc bệnh có bệnh tích xuất huyết đường ruột, dạ dày và dạ dày tuyến; xuất huyết bề mặt tuy, khí quản; viêm túi khí, sung huyết hoặc xuất huyết điểm ở não.

  • Thể độc lực thấp

Trên gà: Mệt mỏi, có triệu chứng hô hấp nhẹ, thỏe khò khè, ho nhẹ. tỷ lệ chết có thể lên đên trên 50%. Ở Vịt không có biểu hiện lâm sàng.

Bệnh tích: Nang buồng trứng xuất huyết, phù nề; vòi trứng phù, viêm phúc mạc fibrin lẫn lòng vàng trứng; xuất huyết phổi, khí quản, phù phổi; xuất huyết điểm màng ngoài tim, gan, màng thanh dịch ruột.

Triệu chứng gà bị nhiễm Cúm gia cầm

3. Biện pháp phòng chống bệnh:

* Khi chọn mua giống về nuôi: Chỉ chọn mua gia cầm ở những cơ sở giống tốt, đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh. Đối với gia cầm nhập từ tỉnh ngoài phải được kiểm dịch và có Giấy chứng nhận kiểm dịch. Gia cầm mới mua về phải nhốt riêng, cách xa đàn gia cầm đang nuôi trong vòng 10 ngày để theo dõi và khi thấy gia cầm hoàn toàn khoẻ mạnh, không có biểu hiện gì khác thường thì mới thả chung vào cùng đàn gia cầm của gia đình.

* Vệ sinh chuồng trại, vườn, khu chăn thả và dụng cụ chăn nuôi:

- Chú ý vệ sinh, tiêu độc chuồng trại, khu vực xung quanh, chất độn chuồng, dụng cụ chăn nuôi trước khi đưa gia cầm vào nuôi.Định kỳ phun thuốc sát trùng trong và xung quanh chuồng nuôi.

- Chuồng nuôi gia cầm phải đảm bảo thoáng mát, có ánh nắng trực tiếp chiếu vào, có hố khử trùng trước khu vực chăn nuôi, chất độn chuồng phải khô, sạch không ẩm mốc, bảo đảm đủ diện tích chuồng nuôi và sân chơi, thường xuyên thay độn chuồng. Nên có khu vực riêng tập trung phân và rác thải. Sau khi thu gom nên xử lý bằng phương pháp nhiệt sinh học. Không để các phương tiện đi lại, phương tiện vận chuyển (xe máy, xe đạp, xe cút kít…) cạnh chuồng nuôi.

- Vệ sinh máng ăn máng uống sạch sẽ, nước uống đảm bảo trong sạch, thức ăn phải thơm, mới hấp dẫn đối với gia cầm.

- Hạn chế người và động vật ra vào khu chăn nuôi, dùng lưới ngăn không cho gia cầm tiếp xúc với chim hoang dã.

- Chủ động dùng vắc xin tiêm phòng cho toàn đàn. Hiện nay dùng vắc xin Cúm gia cầm để phòng bệnh với liều lượng 0.5ml/con.

- Thu gom phân thải đánh đống ủ kỹ (từ 15-30 ngày) để tiêu diệt mầm bệnh.

* Trong trường hợp có dịch, phải báo ngay với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên ngành về thú y và thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về phòng, chống dịch.

Cần xử lý tiêu hủy gia cầm và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức điều tra xác định nguyên nhân, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xóm và trên địa bàn toàn xã, thị trấn.

 
Chi cục Chăn nuôi và Thú y
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.004
Truy cập hiện tại 6