Tính từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều quốc gia trên khắp thế giới đã ghi nhận trường hợp lây nhiễm chủng cúm gia cầm khác nhau ở người.
Hầu hết các trường hợp mắc cúm gia cầm ở người đều đã tiếp xúc với gia cầm, bò sữa, đến chợ gia cầm sống... trước khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học lo ngại virus cúm gia cầm có thể biến đổi khiến nó dễ lây lan từ người sang người hơn, từ đó gây ra đại dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong khi đó nhận định rằng nguy cơ đối với con người là thấp vào thời điểm này.
Dưới đây là những quốc gia đã ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở người trong năm nay.
Mỹ
Tính đến ngày 3/7, đã có 4 công nhân chăn nuôi bò sữa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm gia cầm. Họ đều có các triệu chứng nhẹ như viêm kết mạc. Cơ quan An toàn thực phẩm thuộc Liên minh châu Âu (EFSA) trong một báo cáo khoa học đánh giá rằng virus H5N1 ở Mỹ thuộc dòng 2.3.4.4b, kiểu gien B3.13, một kiểu gien chỉ được phát hiện ở Bắc Mỹ tính cho đến nay.
Trường hợp bò sữa nhiễm cúm gia cầm đầu tiên được ghi nhận ở Texas (Mỹ) vào tháng 3. Đến nay, cúm gia cầm được phát hiện ở các đàn bò sữa tại 12 tiểu bang của Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ tuyên bố rằng xét nghiệm cho kết quả loại virus được phát hiện ở bò chính là H5N1 vốn đã ảnh hưởng đến các loài chim hoang dã và đàn gia cầm nuôi nhốt.
Mexico
WHO ngày 5/6 xác nhận một công dân Mexico tử vong là trường hợp đầu tiên nhiễm cúm gia cầm H5N2 ở người.
Bệnh nhân nam 59 tuổi nhiễm virus cúm gia cầm H5N2 qua đời ngày 24/4 với các triệu chứng sốt, khó thở, tiêu chảy và buồn nôn. Bệnh nhân nhập viện điều trị tại thủ đô Mexico City nhưng qua đời cùng ngày hôm đó. Bệnh nhân này không có tiền sử tiếp xúc với gia cầm hoặc các động vật khác.
Chính phủ Mexico cho biết bệnh mãn tính, chứ không phải cúm gia cầm, là nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân này.
Australia
WHO ngày 7/6 cho biết em nhỏ nhiễm cúm gia cầm H5N1 do Australia báo cáo, trước đó đã đến Kolkata, Ấn Độ. Giải trình tự gien cho thấy virus là một phân nhóm của H5N1 và thuộc chủng lưu hành ở Đông Nam Á, từng được phát hiện trong các ca nhiễm bệnh trước đây ở người và ở gia cầm.
Australia đang đối phó với ba đợt bùng phát chủng virus cúm gia cầm khác nhau là H7N3, H7N8 và H7N9 tại các trang trại. Chính quyền Australia cho rằng có khả năng virus lây lan trong các trang trại từ chim hoang dã.
Ấn Độ
WHO ngày 11/6 ghi nhận một trường hợp nhiễm cúm gia cầm ở người do H9N2 gây ra, Đó là em nhỏ 4 tuổi ở bang Tây Bengal, miền Đông Ấn Độ. Theo WHO, đây là trường hợp nhiễm cúm gia cầm H9N2 thứ hai ở người tại Ấn Độ, sau một trường hợp vào năm 2019.
H9N2 thường có xu hướng gây bệnh nhẹ. Tuy nhiên, WHO đánh giá có nguy cơ thỉnh thoảng xảy ra thêm trường hợp mắc H9N2 ở người bởi đây là một trong những virus cúm gia cầm phổ biến nhất, xuất hiện ở nhiều khu vực khác nhau.
Việt Nam
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), vào tháng 3, có một trường hợp mắc cúm A(H5N1) tử vong là bệnh nhân nam (21 tuổi, cư trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa). Trước đó vài tuần, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã ở gần khu vực sinh sống. Xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân không có hiện tượng gia cầm ốm, chết.
Đây là trường hợp mắc cúm A(H5N1) thứ 2 kể từ năm 2014, sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 10/2022, tại Phú Thọ đã ghi nhận 1 trường hợp mắc cúm A(H5N1) ở người.
Đến tháng 4, Việt Nam ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc cúm A/H9N2 ở người. Đó là một bệnh nhân nam 37 tuổi (cư trú tại xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Campuchia
Ngày 8/7, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này ghi nhận thêm 1 trường hợp nhiễm cúm gia cầm H5N1 ở người. Như vậy, tổng số ca nhiễm H5N1 tại quốc gia Đông Nam Á này từ đầu năm 2024 đến nay là 7 người.
Trung Quốc
Tính đến thời điểm này, Trung Quốc đã ghi nhận các trường hợp mắc H5N6, H9N2 và H10N3 ở người. Trong đó có 2 trường hợp mắc H5N6 tử vong ở tỉnh Phúc Kiến. Cơ quan An toàn thực phẩm thuộc Liên minh châu Âu (EFSA) cho biết cả hai trường hợp này đều đã tiếp xúc với gia cầm nuôi ở sân sau trước khi xuất hiện các triệu chứng. Bệnh nhân mắc H10N3 tại Trung Quốc là trường hợp thứ ba được ghi nhận trên toàn cầu.
Đức
Ngày 4/7, Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) cho biết Đức đã ghi nhận một ổ dịch cúm gia cầm hiếm gặp do chủng virus H7N5 độc lực cao gây ra ở miền Tây nước này, gần khu vực biên giới với Hà Lan. Đây là ổ dịch cúm gia cầm H7N5 đầu tiên trên thế giới được phát hiện kể từ khi WOAH bắt đầu theo dõi các dịch bệnh ở động vật trên thế giới từ năm 2005.